Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Điểm cốt lõi để thay đổi số phận

Như đã đề cập trong bài “Thay đổi số phận”, tôi mong muốn chia sẽ về mắt xích đầu tiên, và cũng là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích tạo nên số phận, đó là Suy Nghĩ.

Có nhiều khía cạnh trong vấn đề Suy Nghĩ, tôi sẽ trình bày một số khía cạnh chính yếu.

KHÔNG THỂ & CÓ THỂ

Câu chuyện về cô thủ thư khoa QTKD - trường ĐH Kinh Tế

ImageHồi học đại học, thỉnh thoảng tôi cũng vào thư viện, hình ảnh còn đọng lại trong đầu tôi là cô thủ thư cũng đã lớn tuổi, hơi khó tính. Sau này đi làm được 3 năm thì tôi tranh thủ trở lại trường để học thêm bằng MBA. Khi tôi bước vào giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp, tôi có trở lại thư viện để tham khảo tài liệu, nhưng do còn phải làm việc nên tôi không có nhiều thời gian ngồi trong thư viện để đọc các tài liệu, tôi muốn mượn tài liệu để photo và mang về nhà đọc. Tôi đang định hỏi cô thủ thư để mượn tài liệu photo, thì có một sinh viên ngồi cạnh đã lên tiếng mượn tài liệu, lập tức cô thủ thư lớn tiếng “không đọc qui định dán trên tường à! Thư viện chỉ cho phép đọc trong thư viện, không được phép mang tài liệu ra khỏi thư viện”, tôi ngước nhìn lên bảng quy định trên tường, đúng rồi chỉ được phép đọc trong thư viện, không được phép photo hay mượn về.

Như vậy là tôi KHÔNG THỂ mượn tài liệu để photo rồi. Tôi rất cần tài liệu tham khảo này, còn đọc trong thư viện thì không có thời gian, lên tiếng mượn thì sẽ không được mà còn bị la. Lúc này tôi bắt đầu suy nghĩ, nếu mình nghĩ rằng KHÔNG THỂ, mình sẽ không lên tiếng mượn và kết quả chắc chắn là mình không mượn được tài liệu. Còn nếu mình nghĩ rằng CÓ THỂ, mình sẽ lên tiếng mượn và lúc này sẽ xảy ra 2 trường hợp:

Trường hợp 1: cô thủ thư không cho mượn và la mắng tôi (xác suất của trường hợp này là rất lớn)

Trường hợp 2: cô thủ thư cho mượn (xác suất này là rất nhỏ).

Thế là vì muốn rằng mình cần phải có được tài liệu tham khảo, bất chấp bị la mắng, tôi quyết định sẽ lên tiếng mượn. Tôi quan sát thấy rằng nếu bây giờ lên tiếng thì không thích hợp vì vừa có người hỏi xong mà không được, với lại còn đông người mà bị la giữa đám đông thì cũng chẳng hay ho gì. Tôi liếc nhìn đồng hồ, chỉ còn khỏang 10 phút nữa là tới giờ đóng của thư viện. Tôi quyết định ngồi đọc tiếp cho đến khi đóng cửa thư viên, 10 phút trôi qua thật nhanh, cô thủ thư nhắc nhở mọi người trả tài liệu để đóng cửa. Tôi chậm chạp thu xếp tài liệu, đợi cho mọi người ra khỏi thư viện hết tôi mới mang tài liệu đến chổ cô thủ thư và nói rằng: “em biết rằng thư viện không cho phép mượn tài liệu để photo hay mang về nhà đọc, nhưng do em bận rộn với công việc ở công ty không thể đến thư viện thường xuyên để đọc tài liệu được, cô có thể vui lòng cho em mượn tài liệu này để photo được không?”. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời “Không”, nhưng thật bất ngờ, cô thủ thư nói rằng tôi có thể mượn mang về để photo và ngày mai mang trả lại.

Từ kết quả của lối suy nghĩ CÓ THỂ này đã đem lại sự tự tin cho tôi, và tôi đã áp dụng trong nhiều trường hợp, và đa số đều cho kết quả tốt đẹp.

Bài học: Tại sao suy nghĩ CÓ THỂ lại cho kết quả tốt hơn là suy nghĩ KHÔNG THỂ, bởi vì với suy nghĩ KHÔNG THỂ, chúng ta đã tự đóng lại tất cả các cánh cửa của suy nghĩ, của tư duy, của sáng tạo và của hành động. Còn với suy nghĩ CÓ THỂ, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải tư duy, phải sáng tạo, phải hành động, và kết quả là nó cho ta giải pháp, nó cho ta kết quả. Vì vậy trong cuộc sống chúng ta nên suy nghĩ CÓ THỂ, thay vì KHÔNG THỂ.

ImageLỐI MÒN TƯ DUY & SỰ SÁNG TẠO

Câu chuyện về “cái chết” của một nhà lãnh đạo

Hàng năm có rất nhiều vị trí lãnh đạo (từ “lãnh đạo” ở đây dùng để chỉ các giám đốc, các nhà quản lý, các trưởng phòng, trưởng nhóm) mới được bổ nhiệm, và rất nhiều trong số họ đã thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại, nhưng nguyên nhân chủ yếu là họ đã suy nghĩ theo lối mòn.

Chúng ta hãy xem câu chuyện về Doughlas Ivester khi làm việc cho hãng Coca-Cola. Ivester được thăng chức Tổng Giám Đốc Điều Hành của Coca-Cola vào năm 1997. Là một người được đào tạo làm kế toán, Ivester mất gần 20 năm phấn đấu để trở thành Giám Đốc Sản Xuất, và sau đó trở thành Giám Đốc Tài Chính của Coke vào năm 1985. Năm 1997, sau khi được thăng chức Tổng Giám Đốc Điều Hành, Ivester đã không có khả năng chuyển đổi suy nghĩ từ vai trò Giám Đốc Tài Chính sang vai trò Giám Đốc Điều Hành.

Sự quan tâm thái quá đến chi tiết vốn là một phẩm chất tốt trong hoạt động sản xuất và tài chính, nay trở thành một chướng ngại vật trong vị trí mới. Ivester không thể dứt bỏ đầu óc của mình khỏi họat động điều hành thường nhật để đảm nhận một vị trí đòi hòi có óc chiến lược, tầm nhìn xa của một Tổng Giám Đốc Điều Hành. Hậu quả là một loạt các quyết định sai lầm đã được đưa ra và Ivester thất bại nặng nề trong vai trò mới, một sự nghiệp đầy ấn tượng đã chấm dứt trong một kết cục cực kỳ thất vọng.

Bài học: Môi trường ngày nay thay đổi rất nhanh chóng, những kiểu suy nghĩ đã giúp ta thành công ngày hôm qua, chưa chắc còn phù hợp với điều kiện mới của ngày hôm nay. Vấn đề là ta phải nắm được sự thay đổi của môi trường, thay đổi tư duy để bắt kịp những sự thay đổi đó.

ImageĐỔ THỪA & NHẬN TRÁCH NHIỆM

Bài học đầu tiên của một sinh viên mới ra trường

Khi mới ra trường, tôi đi làm cho một công ty Nhật, mỗi buổi sáng mọi người có mặt lúc 7:30, đứng thành vòng tròn, chào nhau và mỗi người sẽ nói kế họach công việc trong ngày của mình, từ giám đốc đến nhân viên đều phải nói. Một hôm tôi đến trễ 10 phút do kẹt xe, tôi thấy mọi người đang đợi tôi.

Tôi nói là tôi bị kẹt xe nên đến trễ 10 phút.

Ông sếp liền nói tôi đến trễ vì vậy trước hết tôi phải nói lời xin lỗi, sau đó hãy nói lý do và bắt tôi lặp lại trước tòan công ty.

Tôi nói tôi xin lỗi vì đã đến trễ, tôi bị kẹt xe.

Ông sếp lại nói, sau khi nói xin lỗi vì đến trễ, tôi nên nói xin lỗi vì không báo trước cho mọi người để mọi người phải chờ đợi, sau đó hãy nói lý do và bắt tôi lặp lại.

Tôi nói đủ như vậy, ông ta lại nói là tôi sử dụng văn hóa đổ thừa để đổ lỗi cho hòan cảnh, vì nếu tôi nghĩ rằng đó sẽ là trách nhiệm của tôi, tôi có thể tránh tình trạng kẹt xe nếu như tôi đi trước 10 hay 15 phút.

Lúc đấy tôi rất tức ông sếp người Nhật này, ông ta là một người rất khắt khe, sau này tôi trở thành “đệ tử ruột” của ông ấy và thực sự đã học được rất nhiều điều hay từ ông ấy. Các bạn sẽ ít học được điều hay với một người sếp dễ dãi, và các bạn sẽ học được nhiều điều hay từ một người sếp khắt khe.

Bài học: Khi ta có suy nghĩ đổ thừa, tức là ta sẽ đá trái banh trách nhiệm cho người khác, cho hòan cảnh, và ta chẳng cần phải suy nghĩ để tìm giải pháp cho vấn đề. Đã đến lúc chúng ta cần phải phá bỏ cái văn hóa đổ thừa này!

ImageTIÊU CỰC & TÍCH CỰC

Câu chuyện về một số nhân viên “đang chết”

Tôi có cơ hội tiếp xúc kỹ với một số nhân viên trong một số doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ, nơi mà các chính sách và cách quản trị không được tốt. Nhân viên làm việc vật vờ cho qua ngày nhằm có tiền lương cho nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, làm cho có, không nỗ lực hết mình, vì họ nghĩ rằng nếu có làm tốt họ cũng chẳng được hơn. Họ suốt ngày ca thán, chê bai lãnh đạo, mỗi sáng thức dậy họ dường như chẳng muốn đến chỗ làm, 8 giờ làm việc của họ tại công sở trôi qua thật lâu và nhàm chán.

Khi tôi nghiên cứu kỹ tôi thấy rằng thâm niên làm việc của họ khá cao 5 — 10 năm, thậm chí có người có thâm niên đến 15 năm. Tôi tự thắc mắc rằng, tại sao với một môi trường mà họ cảm thấy chán như thế, họ ca thán như thế, mà họ vẫn tiếp tục làm lâu vậy? Sao họ không nghỉ làm? Tôi nhận ra rằng, yêu cầu công việc ngày càng cao, mỗi cá nhân phải luôn nỗ lực để nâng cao trình độ chuyên môn của mình, còn đối với các cá nhân này, với phong cách làm việc chán nản như vậy, trình độ của họ ngày càng thụt lùi, họ làm công việc do quen việc, không có tư duy sáng tạo gì cả và họ không thể thích nghi được với những môi trường mới. Vậy là cứ ngày này qua ngày khác, họ cố gắng lê bước chân đến sở làm tâm trạng chán nản, làm việc 8 giờ như một sự cực hình.

Hãy làm một cầu thủ chuyên nghiệp

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên suy nghĩ và hành động như một cầu thủ chuyên nghiệp trong một đội bóng, khi chúng ta tham gia đội bóng chúng ta nên đá hết mình, đá với niềm đam mê. Chúng ta không nên nghĩ rằng CLB trả lương thấp, do đó chúng ta đá vật vờ, nếu chúng ta làm vậy, chính chúng ta sẽ giết chết bản thân, vì khi đó phong độ của ta sẽ xuống dốc, còn nếu chúng ta luôn cố gắng luyện tập, thi đấu hết mình, phong độ luôn tốt, thì thiếu gì CLB khác lớn hơn, trả lương cao hơn sẽ săn đón chúng ta, và một điều quan trọng nữa là ta được chơi bóng, được cống hiến, được hưởng niềm vui chiến thắng.

Bài học: Tôi tin vào thuyết Nhân Quả, khi ta suy nghĩ tích cực thì rồi chúng ta cũng sẽ có những kết quả tốt, khi ta suy nghĩ tiêu cực thì rồi chúng ta cũng sẽ có kết quả tiêu cực.

Kết luận: Còn nhiều khía cạnh khác của SUY NGHĨ, nhưng những khía cạnh trên là những khía cạnh chính. Để kết thúc tôi xin kể một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi rất tâm đắc:

ImageCó một ổ đại bàng trên cây đang vào mùa ấp trứng, chẳng may trời mưa to, giông tố, làm cho ổ đại bàng rơi xuống đất, các quả trứng bị vỡ, duy nhất còn lại một quả may mắn rơi vào chuồng gà phía dưới cũng đang vào kỳ ấp nở.

Sau một thời gian, đại bàng con được sinh ra cùng bầy gà con. Khi nhìn thấy những con đại bàng đang bay trên bầu trời, đại bàng con ao ước mình có thể bay được như vậy, và thế là chú ta nỗ lực tập bay, cứ mỗi lần tập bay là một lần đại bàng con bị các chú gà khác cười nhạo “Làm sao có thể bay được? Hãy thôi làm cái chuyện ngu ngốc đó đi”. Sau vài lần thất bại và bị chê cười, lúc này đại bàng con tin rằng mình không thể bay được và từ bỏ giấc mơ bay trên không trung. Ngày tháng cứ dần trôi qua, mỗi khi nhìn lên bầu trời và thấy các con đại bàng khác bay trên không trung, đại bàng con cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, đại bàng tiếp tục cuộc sống cùng bầy gà quanh quẩn trong khu vườn chật hẹp, trưởng thành, già và chết.

Chúng ta đã có những công cụ để có thể thay đổi số phận, còn việc có muốn thay đổi số phận hay không? Có quyết tâm thay đổi hay không? Là sự lựa chọn của mỗi người. Việc trở thành đại bàng tự do bay lượn trong không trung bao la hay là một chú gà quanh quẩn trong khu vườn nhỏ bắt nguồn từ SUY NGHĨ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất hoan nghênh mọi nhận xét và ý kiến đóng góp của mọi người. Bạn phải đăng nhập và tài khoản Google mới được phép đăng bài.
Cảm ơn rất nhiều.
HAPPY DAY TO YOU!