Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Đừng để những kẻ hoài nghi làm bạn nản lòng!

Rất hiếm khi nhà phát minh nghĩ ra một ý tưởng mà ngay lập tức ý tưởng đó được công nhận là tuyệt vời và có khả năng mang lại lợi nhuận cao, ví dụ như Gerry Thomas với ý tưởng bữa ăn tối kiểu TV, Edwin Land với ý tưởng chiếc máy chụp ảnh lấy ngay, hay Erno Rubik với ý tưởng khối xoay lập phương. Thường thì ý tưởng của các nhà phát minh được chào đón bằng sự hoài nghi, thậm chí chế nhạo. Một chiếc thùng nhỏ đóng trên chiếc cột để thu tiền của những người muốn đỗ xe trên phố ư? Một con búp bê dành cho các cậu bé? Thậm chí cả ông tổ phát minh ở Mỹ, Thomas Edison, cũng không thể thuyết phục được ai thử nghiệm ý tưởng đầu tiên của ông về chiếc máy bỏ phiếu bằng điện. “Tôi nản lòng đến mức cho rằng mình đã thất bại”, sau này Edison nói.

Có một thực tế là nhiều người tự coi mình là nhà phát minh đã đưa ra những ý tưởng kỳ cục, chẳng hạn như chiếc máy vỗ về nhẹ nhàng có thể giúp bạn tránh được dị ứng khi âu yếm chó hay mèo của mình, thuốc lá có đầu lọc bằng pho mát, chiếc quạt giúp bạn trượt tuyết lên đỉnh đồi… Bất kỳ nhà phát minh nào cũng phải có một chút gì đó lập dị, chưa kể đến tính bướng bỉnh, tự quan trọng hoá, không chịu lắng nghe những lời khuyên cũng như những lời phê bình của bạn bè và gia đình. Một số người tin rằng những yếu tố cần thiết để phát minh không thể có được nhờ dạy dỗ, bởi đó là năng khiếu thiên bẩm. Edward Lowe, người phát minh ra Kitty Litter, đã gọi tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp là “kiểu chó săn thỏ”. “Bạn không thể trở thành “một nhà kinh doanh chỉ bằng cách tới trường học được”, ông Lowe nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu bạn không có khả năng, bạn sẽ không thể làm việc được. Giống như chó săn thỏ vậy – ngay khi bạn vừa thả một con chó săn thỏ ra, thì ngay lập tức nó sẽ chạy đuổi theo con thỏ”. Các nhà phát minh được miêu tả sau đây đã có những ý tưởng hay, nhưng lại bị mọi người chế nhạo hoặc coi thường. Mặc dù không phải tất cả, nhưng không hiếm các nhà phát minh đó, cuối cùng đã thành công.

Đừng bỏ qua các sản phẩm bị bỏ rơi

Charles Darrow không phải là người phát minh ra trò chơi Monopoly. Tác giả thực sự của trò chơi này là một người phụ nữ có tên là Elizabeth Magie Phillips. Bà đã sáng tạo ra các mẫu hình đầu tiên vào năm 1904 và gọi nó là trò chơi Landlord. Nhưng đến năm 1933, Darrow, một kỹ sư thất nghiệp, đã tận dụng ý tưởng của bà Phillips và thiết kế lại, bổ sung thêm các bảng màu và các miếng đồ chơi bằng gỗ. Trước tiên, ông Darrow làm đồ chơi này bằng tay, nhưng dần dần nhu cầu về Monopoly tăng lên vượt quá khả năng sản xuất của ông và gia đình là 6 bộ một ngày. Ông quyết định chào bán Monopoly cho hai hãng sản xuất đồ chơi lớn của Mỹ là Công ty Parker Brother và Milton Bradley . “Sau khi xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng về trò chơi Monopoly, chúng tôi không cảm thấy cần thiết đưa thêm trò chơi này vào hệ thống các sản phẩm của chúng tôi”, giám đốc của Milton Bradley viết như vậy trong thư phúc đáp Darrow vào năm 1934. Còn Parker Brother thì gay gắt hơn, liệt kê tới “52 lỗi cơ bản” trong trò chơi này: quá phức tạp, mất nhiều thời gian để chơi, và mọi người chắc hẳn không muốn vây quanh một cái bảng lâu đến như vậy.

Darrow đã đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của ông để sản xuất 7500 bộ trò chơi và các phiên bản này nhanh chóng được bán hết. Lúc đó, Parker Brother mới cho rằng trò chơi của Darrow không đến nỗi tồi như họ đánh giá và mua lại quyền sản xuất bộ trò chơi này của ông. Vào năm 1936, công ty này bán được 1,8 triệu bản Monopoly, còn Darow trở thành triệu phú.

Thực phẩm đông lạnh

Clarence Birdseye là một người ưa mạo hiểm và có trình độ học vấn cao, nói chung là ở anh ta hội đủ tất cả các yêu cầu cần thiết của một nhà phát minh. Nhưng ý tưởng cực kỳ sáng suốt của Birdseye về thực phẩm đông lạnh, để được thừa nhận, đã phải vượt qua rất nhiều thành kiến cũ xưa của mọi người. Sống ở Labrrador, Birdseye rất cần thực phẩm tươi trong suốt mùa đông lạnh giá và kéo dài gần nửa năm nơi đây. Birdseye nhận thấy người Eskimos làm đông lạnh cá nhanh chóng ở nhiệt độ -40 độ C hoặc thấp hơn, và thật kỳ diệu, sau nhiều tuần, những con cá này vẫn có mùi vị rất thơm ngon. Nhưng không may cho Birdseye, các nhà cung cấp thực phẩm đã cho công chúng thưởng thức hương vị không mấy ngon lành của rau và thịt đông lạnh theo phương pháp truyền thống. Họ thường ném thực phẩm vào kho lạnh, với thùng làm lạnh từ từ, các tinh thể đá có thừa thời gian để phá hủy tế bào của thực phẩm. Sau khi rã đông, thực phẩm được làm lạnh theo lối này biến thành một hỗn hợp màu xám xịt. Ngoài ra, lúc này người Mỹ bắt đầu thích dùng đồ hộp do thực phẩm đóng hộp có chất lượng cao và dễ dàng vận chuyển, lưu kho. Và các ông chủ cửa hàng tạp hoá thì ngần ngại không muốn lắp các ngăn lạnh mới để bảo quản sản phẩm đông lạnh của Birdseye. Nhưng Birdseye không đầu hàng. Ông vay tiền mở một nhà máy sản xuất thực phẩm đông lạnh của riêng mình. Sau thời gian khá dài chiến đấu chống lại nguy cơ phá sản luôn rình rập, vào năm 1929, Birdseye đã bán công ty của mình cho Postum (sau này là General Foods). Với sự tiếp sức của hoạt đông tiếp thị tại General Food, sản phẩm thực phẩm đông lạnh mang nhãn hiệu Birds Eye bắt đầu được bày bán ở nhiều cửa hàng tạp hoá.

Súng ngắn Colt

Samuel Colt đã từng đam mê súng ngắn hơn bất cứ cậu bé nào thời kỳ đầu thế kỷ 19 ở Mỹ, nhưng ngành công nghiệp sản xuất súng ở Mỹ lại không quan tâm tới loại vũ khí mới gọi là súng lục ổ quay. Là con trai chủ một nhà máy dệt, Colt trở thành thương gia đi biển ở tuổi 15. Trong chuyến đi tới Ấn độ, Colt nhìn thấy một thứ vũ khí làm cậu say mê: một khẩu súng có thể nhả đạn nhiều lần mà không cần lên đạn. Trên chuyến tàu trở về Mỹ, Colt bắt đầu đẽo mẫu súng lục cải tiến. Năm 1831, anh chàng Colt 18 tuổi tìm cách chế tạo những khẩu súng lục ổ quay, nhưng không có tiền và việc làm, cậu đành từ bỏ dự án này và quay lại làm việc cho cha mình. Cuối cùng, Colt cũng tích cóp được đủ tiền để thuê thợ chế tạo mẫu súng lục mới. Năm 1836, ông đăng ký bản quyền khẩu súng lục ổ quay và xây dựng nhà máy sản xuất loại súng này. Tuy nhiên khi đó, nhà máy của ông chỉ có rất ít khách hàng. Cục quân nhu của quân đội và hầu hết các nhà sản xuất súng ở Mỹ đều hài lòng với khẩu súng hỏa mai và súng lục bắn từng phát một. Họ cho rằng khẩu súng ổ quay của Colt không đáng tin cậy và quá phức tạp. Chính phủ Mỹ đặt mua súng của ông, nhưng không đủ để ông duy trì hoạt động của công ty, vì thế đến năm 1842, Colt buộc phải đóng cửa nhà máy. Thế nhưng có một vài sĩ quan quân đội, trong đó có tướng Sam Houston, nhận ra rằng khẩu súng lục ổ quay của Colt rất hữu dụng trong những trận chiến chống lại một lực lượng đông hơn. Sau đó, quân đội đặt mua súng của Colt, và chỉ trong một thập kỷ, ông đã trở thành triệu phú. Ông viết về nỗi thất vọng của mình với tư cách là một nhà phát minh trong một bức thư sai nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp cho tướng Houston như sau: “Tôi thực sự vui mừng được biết, ngài đã rũ bỏ thành kiến vẫn thường ngự trị ở những người có thế lực khi ra quyết định khuyến khích hay vùi dập các cải tiến về súng lục cho quân đội”.

Kế hoạch đi trước thời đại

Sinh ra ở vùng Birmingham, Alabama, bà Anderson tới thăm New York vào năm 1903 và thật sự kinh hãi trước thời tiết và cả cách mà những người lái xe đối phó với nó trên đường phố. Khi tuyết rơi hoặc mưa, họ phải dừng xe lại, ra ngoài, dùng tay lau sạch kính chắn gió, rồi lại chui vào xe và lại tiếp tục lái. Bà bắt đầu vẽ phác thảo cần gạt để lau kính chắn phía trước và sau mà người lái có thể vận hành từ bên trong để làm sạch kính bên ngoài. Năm sau, bà Anderson đề nghị được cấp bằng sáng chế cho thiết bị cần gạt có thể điều khiển từ phía trong xe hơi với lực đòn bẩy khiến một cái cần gấp lò so có lưỡi cao su gạt qua gạt lại trên mặt kính. Bà được cấp bằng sáng chế vào năm 1905. Nhưng thật không may, có rất ít xe hơi chạy trên đường phố vào thời điểm năm 1905, và ngay cả những người có xe cũng cho rằng thiết bị của bà Anderson là ngớ ngẩn. Họ lập luận rằng người lái xe trong lúc vận hành thiết bị lau kính này có thể sao lãng việc quan sát đường và lưỡi quét có thể che khuất tầm nhìn. Tất nhiên bà Mary Anderson không thể tìm ra tiền đầu tư cho phát minh của mình. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thập kỷ, cần lau kính trở thành thiết bị tiêu chuẩn đối với những chiếc xe của Mỹ. Có thể bà Anderson và những nhà phát minh khác đã từng bị chế giễu sẽ được an ủi phần nào trước thái độ của Tổng thống Rutherford Hayes khi lần đầu tiên sử dụng điện thoại: “Một phát minh tuyệt vời, nhưng ai sẽ muốn dùng nó đây?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất hoan nghênh mọi nhận xét và ý kiến đóng góp của mọi người. Bạn phải đăng nhập và tài khoản Google mới được phép đăng bài.
Cảm ơn rất nhiều.
HAPPY DAY TO YOU!